Chiều 6.4, nghệ sĩ Việt Hương cho biết hiện cô đã khoẻ hơn sau khi tích cực châm cứu vì bị lệch mặt trong lúc đóng phim “Ma da”.
Mới đây, nghệ sĩ Việt Hương gây chú ý khi chia sẻ chuyện cô bị lệch mặt bên phải vì nhiễm lạnh khi liên tục ngâm mình dưới nước đóng phim “Ma da”.
Cụ thể, hơn 1 tháng qua, cô gác lại mọi công việc ở TP Hồ Chí Minh để về Cà Mau đóng phim cùng êkíp. Theo đó, vai diễn của cô có nhiều phân đoạn phải ngâm mình dưới nước nên không may cô gặp vấn đề sức khoẻ – bị lệch mặt.
Nữ nghệ sĩ cho biết các bác sĩ phải dùng 50 cây kim châm cứu toàn thân và hơ ngải cứu.
Sau khi tích cực châm cứu, bác sĩ dặn cô phải giữ ấm cơ thể để nhanh chóng hồi phục.
Chiều 6.4, nữ nghệ sĩ chia sẻ lúc đầu cô không biết bị ngâm nước lâu sẽ bị lệch mặt do nhiễm lạnh.
Cô trải qua nhiều ngày ngâm mình dưới nước khi thực hiện các phân cảnh nên sức khỏe phần nào ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đã ổn định.
Trước đó, đám tang nghệ sĩ Vũ Linh, Việt Hương bị kẹt lại ở Cà Mau không thể về dự. Cô đã liên hệ với nghệ sĩ Bình Tinh – con nuôi cố nghệ sĩ để san sẻ, hỗ trợ nhiều phần việc.
Tối 5/4, nghệ sĩ Việt Hương xác nhận nửa mặt phải bất ngờ bị lệch, cơ thể xuất hiện cơn ớn lạnh. Khi phát hiện bất thường, người thân đã liên hệ bác sĩ để tìm cách chữa trị cho nữ nghệ sĩ.
Việt Hương được 2 bác sĩ Đông y chẩn đoán bị nhiễm lạnh, phải châm cứu và hơ ngải cứu để đỡ giật. Cô tiết lộ toàn thân phủ kín gần 50 cây kim trong quá trình điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Việt Hương mắc chứng liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII biên. Bệnh nhân có thể liệt toàn bộ nửa bên mặt, có khởi đầu đột ngột và đa phần có tiên lượng tốt. Theo y học cổ truyền, liệt mặt ngoại biên được mô tả là trúng phong.
Bác sĩ Vũ cho biết nguyên nhân của tình trạng này thường do nhiễm lạnh. Một số trường hợp do chấn thương ở vùng đầu mặt gây ứ huyết.
Có hai loại liệt dây thần kinh số VII là: trung ương và ngoại vi.
Hiện nay, người bị liệt dây thần kinh số VII thường được trị liệu bằng xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và tập luyện cơ.
Bác sĩ Vũ cho biết biện pháp xoa bóp – bấm huyệt rất quan trọng. Bác sĩ có thể xoa bóp các vùng trán, mắt, má, đầu.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải thăm khám kỹ càng, xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, liệt và mức độ yếu, liệt, qua đó có thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ. Thầy thuốc cần có sự nhạy cảm trong thao tác để cảm nhận được sự cứng, mềm, sức đàn hồi của từng cơ, cảm nhận được sự thay đổi của cơ bị yếu qua các ngày điều trị.
Theo bác sĩ Vũ, việc điều trị liệt dây thần kinh VII cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và linh hoạt của thầy thuốc dựa trên công thức nền của xoa bóp bấm huyệt mà gia giảm tùy theo mức độ hồi phục của từng cơ, từng nhóm cơ, chứ không cứ liệt mặt là xoa bóp hay châm cứu hết nửa mặt của người bệnh.
Người bệnh có thể luyện cơ bằng cách thực hiện các động tác: Nhắm hai mắt lại, mỉm cười, huýt sáo và thổi, ngậm chặt miệng, cười thấy răng và nhếch môi trên, nhăn trán và nhíu mày, phát âm những âm dùng môi như b, p, u, i… giúp hoàn thiện nhóm cơ tối ưu nhất.